Pages

BidVertiser

yt

Chợ Co Xàu

Gọi là Co Xàu để khẳng định rằng vùng đất này đã có chủ từ ngàn đời, người Tày Nùng đã định cư ở đây từ thuở khai thiên lập địa...

31620-so202quenhacho co xau

Rực rỡ sắc màu chợ Co Xàu.

Co Xàu là tên cũ của thị trấn Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), nơi nổi tiếng với khu chợ huyện to nhất, đẹp nhất vùng miền đông của tỉnh Cao Bằng. Người già bảo rằng, cái tên Co Xàu xuất phát từ chữ Cổ Lâu (ngôi nhà cổ) mà ra.

 

Chợ Co Xàu nằm dưới chân một quả núi tròn như chiếc bát úp có tên là Phja Phủ. Đến chợ Co Xàu ta sẽ gặp những ngôi nhà hình ống một gian, hai gian, kế tiếp nhau được làm bằng đá hộc kết dính nhờ vôi tôi trộn với đất đồi Kéo Lồm. Nhà nào cũng lắp những cánh cửa gỗ nghiến dày, trong nhà có những tấm phản chân mộc không chạm khắc đã lên nước thời gian đen bóng.

 

Chợ Co Xàu tuyệt nhiên không có kẻ cắp. Không có người ăn mày. Chỉ có người già cô đơn không nơi nương tựa. Những đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ đi hát rong.

31620-8117_dantoc1

Đi chợ Co Xàu, người ta không chỉ là mua bán mà còn để tâm tình, uống với nhau bát rượu ngô, ngó mặt nhau là đã đỡ khát. Hào hứng đến chợ nhất có lẽ là đám thanh niên nam, nữ. Những con mắt trẻ trung, long lanh theo nhau đi lòng vòng khắp chợ, khó rời nhau nửa bước...

 

Nếu là người vùng khác đến Co Xàu mà chưa được nghe câu hát Woàng dzà thì coi như chưa đến chợ. Câu hát kể về chàng hoàng tử ngồi trong cỗ xe song mã phấp phới lính hầu. Cỗ song mã chạy roong roong từ đầu chợ đến cuối chợ. Cờ hoa đỏ vàng bay phấp phới. Dân chợ búa đổ xô dẹp đường cho hoàng tử. Chỉ có A Slao mồ côi nghễnh ngãng. Nàng đứng giữa đường như chặn đoàn xe hoàng tử. A Slao lặng ngắm nhìn hai chú ngựa hồng mao.

 

Mắt A Slao to đen như nai con không chớp. Da A Slao trắng hồng tỏa ra mùi hương bjooc lỏong. Môi A Slao tươi đỏ như hòn gạch non. Người A Slao thắt đáy lưng ong như cây rơm lúa nếp. Hoàng tử cho ngựa dừng lại và xuống xe. Chàng thoăn thoắt bước tới mỉm cười với A Slao. A Slao ngơ ngác không biết có chuyện gì. Nàng đứng như cây hoa chuối đỏ.

31620-8117_dantoc1_3

Một khắc trôi qua. Nửa giờ trôi qua. Chàng hoàng tử tuyên bố với bàn dân thiên hạ rằng từ nay không trở về hoàng cung nữa. Chàng cởi hết mũ áo vua ban. Chàng đội lấy mũ nồi, mặc áo chàm cài khuy ngang đi hài cỏ xin được ở rể phố thị Co Xàu...

 

Nghệ nhân trình bày xong bài hát, mọi người xung quanh vỗ tay tán thưởng, tiếng cười vọng vang vào vách núi. Trải qua bao cuộc bể dâu, dân Co Xàu vẫn vui quanh năm, hát suốt đời là thế. Chẳng thế mà người ta bảo, đi chợ Co Xàu, cười khô cả răng mà chẳng mất tiền mua...

Theo: Dân Việt

Bản Đôn: Hòn đảo xanh giữa đại ngàn

Giữa núi rừng bao la của Tây Nguyên lộng gió, có một ngôi làng được xem là hòn đảo nhỏ xinh xắn. Chuyện nghe có vẻ lạ, nhưng hãy đến và tận mắt khám phá nhiều điều thú vị ở nơi gọi là đảo này.

39176-1288974760-ban-don-4

Càng khám phá, du khách càng thấy bị cuốn hút

Địa danh khá quen thuộc với những người yêu cái nắng, cái gió và mùa đông mỗi chiều của Tây Nguyên là Buôn Đôn (hay còn gọi là Bản Đôn) thuộc huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk).

 

Bản Đôn cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 50km về hướng Tây-Bắc, sát biên giới với Campuchia và Lào. Bản Đôn có nghĩa tiếng Việt là “làng đảo”. Ngôi làng được dựng lên giữa dòng của con sông Sê-rê-pốk - được xem là nơi giao nhau của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Con sông này dẫn đến 3 quốc gia này và là một dòng của sông mẹ Mê Công. Ngày trước, người Lào đã bị hấp dẫn khi xuôi dòng đến đây mua bán và cuối cùng ở lại với người Ê-đê bản địa, xây dựng nên ngôi làng này. Hiện nay, Bản Đôn đã trở thành “thương hiệu” của du lịch Tây Nguyên.

39176-1288974760-ban-don-5

Vào những ngày cuối mùa mưa và trước khi bắt đầu mùa hè oi bức, hoa dã quỳ nở vàng rực khắp các sườn đồi. Mùa này tuy vắng bóng loài hoa hoang dã này nhưng không vì thế mà Buôn Đôn thiếu đi “bản sắc”.

 

Làng Đảo mùa này theo đúng nghĩa của nó: tứ bề nước giăng. Khi đầu nguồn sông mẹ cuồn cuộn dòng nước đổ về hạ nguồn, con sông Sê-rê-pốk đầy ắp nước đỏ au, thắm màu đất bazan. Khi chảy qua làng, con sông chia làm bảy dòng lớn nhỏ, ào ạt băng qua những ghềnh đá tạo nên con thác khổng lồ. Người ta đặt tên cho thác là thác Bảy Nhánh thuộc buôn N’DRêch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn.

39176-1288974760-ban-don-3

Trong 7 nhánh, nhánh rộng nhất của thác khoảng 2 cây số, chỗ hẹp nhất khoảng 20-30m. Mỗi nhánh mang một đặc tính khác nhau, tạo sự thích thú cho du khách. Nhánh thứ nhất dày đặc những cây si. Nhánh hai, ba và bốn có nhiều ghềnh đá, tạo nên những cung bậc nước chảy. Cũng chính vì điều này, một đoạn của con sông được gọi là thác. Nhánh thứ năm là bãi đá cuội nhẵn bóng như đá sỏi ở các bãi biển ở dải đất miền Trung. Nhánh thứ bảy chảy qua Vườn Quốc gia Yok Đôn, nơi còn những cánh rừng già với nhiều loại cây đặc thù của Tây Nguyên đại ngàn.

 

Bản Đôn tồn tại hàng bao thế kỷ nay nhưng vẫn giữ được nét hoang dã của núi rừng. Khách đến đây là bước vào vùng đất của trăm năm, chạm vào không gian của đại ngàn hoang dại, phố xá, thị thành bỏ lại phía sau. Không chỉ du khách trong và ngoài nước rất ưa thích vùng đất văn hóa và hoang dã này.

39176-1288974760-ban-don-2
Văn hóa bản địa nơi đây rất thú vị

Đặt chân đến đây, du khách sẽ được nghe kể về huyền thoại của “Vua voi” và những người thuần phục voi tài ba của thế giới. Y Thu (hay còn gọi là N’Thu Knul) là người thuần dưỡng hơn 300 con voi rừng. Trong đó, có một con voi trắng được dâng cho vua Xiêm nên được nhà vua ban danh Khun-ju-nốp - được hiểu như “Vua voi”. Ông trở thành huyền thoại của Tây Nguyên. Ngôi mộ ông hiện vẫn tồn tại giữa núi rừng. Người dân Tây Nguyên gọi đó là mộ Vua voi. Huyền thoại Tây Nguyên ở Bản Đôn có thể kể không biết bao giờ mới hết. Những huyền thoại trở nên bất tử, sống mãi với núi rừng, với những cư dân của bản làng vốn rất trân trọng giá trị văn hóa và thiên nhiên.

 

Lang thang giữa núi rừng Bản Đôn, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hóa bản địa... du khách không bao giờ chán. Khi những huyền thoại, những câu chuyện chưa làm khách hết ngạc nhiên thì không gian mở ra trước mặt, gây cho khách một ngạc nhiên khác. Bản Đôn là ngôi làng yên ả nhưng bên kia làng là khu rừng huyền bí, tạo cảm giác tò mò cho du khách. Càng khám phá, càng nghe ngóng, du khách càng bị cuốn hút. Và cuộc khám phá Tây Nguyên chẳng bao giờ kết thúc.

39176-1288974760-ban-don-1
Du khách ghé Bản Đôn

Đến Buôn Đôn nói riêng, Tây Nguyên nói chung, du khách đừng quên cưỡi trên lưng voi dạo bước qua con sông, con suối, qua rừng già mênh mông, đi thuyền độc mộc được làm từ cây cổ thụ, khoét rỗng ruột, còn nữa, đi qua những chiếc cầu treo lắt lẻo...

Nhà sàn là nét độc đáo của văn hóa Tây Nguyên. Đến đây, khách được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người của núi rừng Tây Nguyên. Đêm cồng chiêng cùng với người dân bản địa hứa hẹn là chương trình lý thú cho khách.

Con sông Sê-rê-pốk và thác Bảy Nhánh là điểm dừng chân lý tưởng để khách khám phá và chụp những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp của núi rừng.

Theo: Xã luận

101 lý do người Mỹ thích Hà Nội

Hà Nội với một gia đình sinh ra tại New York và sống tại Việt Nam đã 9 năm, là những góc riêng kì lạ gợi nhớ tới rất nhiều hình ảnh quen thuộc của Boston, của New Orleans...

32658-images2043561_gia_dinh_mark

Gia đình giáo sư Mark Rapoport

Mark Rapoport, người New York, đã có 9 năm cùng vợ ngụ cư ở Hà Nội và hiện sở hữu một gallery giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm truyền thống Việt Nam. Cửa hàng nằm trên con phố Hàng Bún của Hà Nội xưa. Mỗi năm, hai người con của Mark là Robert và Alison Rapoport đều sang Hà Nội thăm bố mẹ và du ngoạn khắp thành phố mà họ thống nhất với ông bà là “nơi lựa chọn số 1 để sống của cả gia đình”.


Cuốn sách vừa ra mắt gần ngày Đại lễ, dày 63 trang của gia đình New York này đã viết: "101 lý do để chúng tôi thích sống ở Hà Nội - thành phố của sự lao động cần cù và tình yêu trẻ trung".


Giáo sư Mark Rapoport đã đồng ý để Vietnamnet trích đăng 19 trong số 101 lý do khiến một gia đình New York 4 người như gia đình ông, yêu Hà Nội
1. Con người - thân thiện nhất, trung thực nhất và nồng ấm nhất so với bất cứ nơi đâu.

32658-images2043565_hoc_tro_ha_noi

2. Con người - làm việc cần cù nhất, ít cằn nhằn nhất, lạc quan nhất so với bất cứ đâu.


3. Sự độ lượng của người Việt Nam (nói chung). Họ khiến chúng tôi cảm thấy được chào đón khi mà chỉ hơn 30 năm trước, một cuộc chiến tranh với sự tham dự của người Mỹ khiến cho 1/8 dân số Việt Nam thiệt mạng, 250 ngàn lính Mỹ chết và mất tích và đem lại cuộc sống cùng khổ cho tất thảy những ai còn sống… Đây là điều mà chúng tôi không thể đo đếm được song cũng là điều mà vì nó, ngày nào tôi cũng thật sự biết ơn.

32658-images2043578_mot_goc_cau_long_bien

Một góc nhỏ ở cầu Long Biên

4. Cả thành phố - một thành phố thực, một thành phố châu Á đích thực, thật dễ đi bộ, sạch sẽ và sống động trên mọi con phố.

32658-images2043568_pho_co_nhin_tu_tren_cao

Phố cổ nhìn từ trên cao

5. Thành phố - một địa điểm hết sức an toàn, nơi thanh thiếu niên có thể đi bộ và tự khám phá mọi ngõ ngách mà không cần có cha mẹ theo cùng.

32658-images2043569_duong_pho_sau_con_mua

6.  Hàng phở cạnh nhà, món ăn sáng của người Việt Nam: bánh phở, nước luộc gà, thịt bò thái miếng, chanh và hành tươi, thêm ớt. Quán ăn cách nhà chúng tôi chừng 4m, ngon nhất thành phố đối với những người ăn sớm. Nếu 9h sáng mà bạn chưa đến đó, bạn phải đợi đến ngày hôm sau…

32658-images2043563_hang_pho

7. Bánh mì nóng của những bà cụ già bán ngoài phố, mới, nóng, cứng và giòn, và thuận mua vừa bán…

32658-images2043562_hn1

8. Trạm dân phòng ở cuối ngõ. Họ là những người đã nhiều tuổi, không bao giờ đồng ý cho bạn chụp ảnh nếu bức chân dung Cụ Hồ treo trên tường không phải ở chính giữa khuôn hình bạn định chụp.


9.  Ngõ Bảo Khánh - như một New Orleans cổ xưa thu nhỏ, một ngõ phố của âm nhạc, quán rượu và tuổi trẻ, ngay cạnh cái hồ trung tâm song lại tự thu mình thành một thế giới riêng…


10. Những bà cụ già, vận áo cánh nâu, quần ống rộng màu đen và đôi khi vẫn còn hàm răng nhuộm đen nhức. Họ ngồi như thu mình lại bên cửa nhà song hiếm khi để bạn đi qua mà không có một nụ cười vui vẻ làm nhẹ lòng bạn. Hạnh phúc của họ có khi thất giản đơn: có đủ cái ăn hoặc con cháu nhà hàng xóm không gây lộn trước cửa nhà họ là được...

32658-images2043575_ha_noi_sap_1000_nam_tuoi

Hà Nội tưng bừng chào đón đại lễ 1000 năm tuổi

11. Kem Việt Nam, hầu như không có vị béo của bơ, nhưng có hương vị rất tuyệt. Những hương vị ưa thích của chúng tôi gồm hương táo, nho khô, quế, dừa và cốm - thứ mà tôi từng tưởng là hồ trăn (pistachio) suốt mấy tháng khi mới sang đây.


12. Những lúc đi bộ buổi tối trước lăng Hồ Chủ tịch - một nơi phần nào giống như Boston Common, không gian mở ở trung tâm một thành phố, với một liên đới lịch sử làm cơ sở. Hàng trăm, hàng trăm gia đình người Việt đến đây mỗi tối, tản bộ, đi bộ thể dục, hoặc ngồi trò chuyện dọc theo những lối đi bên trong thảm cỏ khổng lồ, không có ai ngồi lên cỏ, dấu hiệu cũng có thể nói lên điều: “Thậm chí đừng NGHĨ đến việc ngồi lên cỏ”.


13. Người giúp việc chăm sóc trẻ em - họ có vẻ như đã nghe theo lời khuyên tốt nhất của một người từng làm bác sĩ nhi khoa như tôi mà tôi không cần phải nói thêm với họ: “Trông chừng chúng mọi nơi, lúc nào cũng ôm bế chúng”. Và không phát mông, không la mắng. Thật là một món quà quý làm sao!


14.  Sự “vắng mặt” thực sự của những đồ chơi chiến tranh. Đối với một đất nước có quá khứ quân sự dữ dội như Việt Nam (cho dù điều đó không sai hoặc không phải là lựa chọn của đất nước), thì sự vắng mặt trên quả là đáng ngạc nhiên gấp bội. Khi tôi nhìn thấy khẩu AK47 đồ chơi, nó chỉ gợi nhắc tôi là sự hiếm hoi của nó quả như một phúc lành (hầu như chỉ vài ba tuần, tôi mới nhìn thấy một lần).

32658-images2043573_pho_ma_may

15.  Những cái xe đạp nước hình thiên nga trên Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây, giống như ở Boston, có điều rẻ tiền hơn và ấm áp hơn. Và chúng cũng tạo điều kiện thoải mái hơn cho những nụ hôn của các bạn trẻ, so với nụ hôn… khi ngồi trên xe máy ven hồ!


16. Phụ nữ Việt Nam khi ngồi trên xe đạp hoặc xe máy- những hình ảnh rất đáng yêu, gò má cao, eo thon và dáng điệu đẹp nhất thế giới. Dáng điệu ấy chuyển từ một vẻ đẹp đơn thuần sang một sự hấp dẫn thực sự khi họ vận bộ quần áo dài truyền thống.


17. Cuộc giễu binh của hoa tươi buổi sớm. Nếu bạn có thể thức dậy lúc 7 giờ sáng, bạn sẽ bắt gặp cảnh từng đoàn xe đạp của những phụ nữ vận trang phục đơn giản, đội nón lá, đèo đằng sau một giành hoa tươi đủ loại, đủ màu sắc vào phố để bán dạo.


18.  Những "cú thoát chết" trong giao thông ở Hà Nội- những việc xảy ra mà nếu ở New York thì đã có thể gây ra các tiếng la hét hoặc thậm chí ẩu đả nhưng ở Hà Nội thì chỉ dừng lại, cười thoáng với nhau trước khi vụt đi, như thể để nói rằng: "Tôi và anh đang lái xe, tốt hơn là đừng làm ảnh hưởng đến việc này của cả hai bên"


19. Người hàng xóm bán bánh mì - đến 80 tuổi rồi, vì bà vận áo cánh truyền thống của người già Việt Nam, răng nhuộm đen, nhai trầu và nhổ nước miếng đỏ suốt ngày, vẫn ngoái đầu cười lớn mỗi khi tôi xòe vài nghìn đồng mua hai ổ bánh mì nóng rất Việt Nam.

Theo: VNN

Ngọt ngào mùa vú sữa miền Tây

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa vú sữa, nổi tiếng thương hiệu Lò Rèn ở Vĩnh Kim (Tiền Giang). Vườn cây trĩu quả thu hút khách tham quan. Trên bến dưới thuyền tấp nập người mua kẻ bán khiến làng quê như vào ngày hội.

30567-vu-sua-lo-ren-1-(2)

30567-5

Vú sữa Lò Rèn "hột gà", thân tròn bóng bẩy căng mọng. Vỏ lại mỏng, màu xanh ngà, khi chín có màu phớt hồng, ruột to, vị ngọt đậm và phảng phất hương thơm của dòng nhựa trắng như sữa.

30567-1

Ngay từ sáng sớm, nông dân từ nhà vườn Vĩnh Kim và các xã lân cận như: Bàn Long, Long Hưng, Song Thuận, Mỹ Long… mang trái cây, vú sữa đến các chợ, vựa để bán.

30567-8

Đò cập bến chờ những sọt vú sữa mang từ trong nhà vườn vùng cây trái Vĩnh Kim.

30567-7

Những chuyến đò chở vú sữa nườm nượp mang ra chợ Vĩnh Kim giao thương. Cùng với vú sữa hột gà thì vú sữa trắng và vú sữa tím là ba loại được nhiều người thích thưởng thức.

30567-6

Những chàng trai, cô gái miệt vườn hồn nhiên đùa vui với vụ mùa bội thu.

30567-9

Trong các vườn, cây vú sữa nặng trĩu quả hấp dẫn khách tham quan và cả các nhà làm phim ghi hình tư liệu.

30567-2

Cả gia đình cùng thu hoạch vú sữa. Họ cẩn trọng nâng niu hái từng quả vì vú sữa thường mềm, mỏng, dễ bầm dập.

Theo: VnExpress

Vương quốc của những cánh cò

Thuộc thôn An Dương (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), Đảo Cò được nhiều người biết như một “vương quốc” của  những cánh cò.

Tương truyền, vào đầu thế kỷ 17, qua 3 năm có đại hồng thủy liên tiếp, một lòng hồ đã hình thành ở An Dương. Từ lòng hồ nhô lên một hòn đảo có diện tích chừng 3.200m2. Đó là Đảo Cò ngày nay.

“Đất lành chim đậu”, người dân nơi đây vẫn thường tự hào nói về quê mình như thế. Từ tình yêu với những cánh cò, nhiều hộ dân sống quanh hồ đã tự nguyện di dời, tạo thêm cho cò một khu vực cư trú ở phía đông của hồ, với diện tích gần 5.600m2.

Về với Đảo Cò, du khách như lạc vào miền cổ tích. Ngắm những cánh cò trắng lượn rợp mặt hồ, lòng người lắng đọng, hoài niệm về một thuở ấu thơ với lời ru ầu ơ ngày nào của mẹ: “Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”…

 

vuongquocco05181
Đảo cò có 2 khu. Một khu là hòn đảo được “khai sinh” từ thế kỷ 17....

vuongquocco05182
Và một khu vốn là đất ở của 7 hộ dân. Nay họ đã di dời để nhường nơi cư trú cho cò

vuongquocco05183
Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là mùa sinh sản của cò. Cò đẻ trứng trong những chiếc tổ trên cây

vuongquocco05184
Và cả ngay dưới mặt đất

vuongquocco05185
Một “công dân”  mới của đảo cò

vuongquocco05186
Ở đảo cò còn có rất nhiều vạc. Một chú vạc con đang “khám phá” vương quốc của mình

vuongquocco05187
Mong mẹ

vuongquocco05188
Cò “nhuộm” trắng ngọn cây...

vuongquocco05189
và cả  mặt đất

vuongquocco051810
Bình yên

vuongquocco051811
Phút ngẫu hứng

vuongquocco051812
Lặng lẽ

vuongquocco051813
Tung cánh tự do

vuongquocco051814
Muốn ngắm cò, du khách có thể đi thuyền quanh đảo

Thực hiện:

Khánh Linh – Thanh Niên Online

50 năm khắc bút bên Hồ Gươm

Dưới gốc đa cổ thụ bên hồ Gươm (Hà Nội), 50 năm nay, ông Lê Văn Quý gắn bó với nghề khắc chữ đẹp lên bút, vật phẩm, dù khách hàng ngày càng thưa vắng.

Tại gốc đa hàng trăm tuổi bên đền Bà Kiệu, gần hồ Gươm, ông Lê Văn Quý, 70 tuổi, ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) hành nghề khắc bút tròn 50 năm.

Ông vốn quê Hưng Yên nhưng sinh ra tại Hà Nội. Trước khi làm nghề khắc bút, ông là thợ đóng giày. Những năm 50, ít người đi giày như bây giờ nên ít việc, ông đã chuyển sang công việc khắc bút lưu niệm cho người qua lại bên hồ Gươm.

Hồi đó, thấy những chiếc máy khắc bút xuất hiện ở phố Hàng Gai không đẹp bằng chữ mình, ông Quý mày mò học cách chuyển những vần chữ bay bướm của mình lên đồ vật bằng gỗ, nhựa...

Dưới gốc đa hàng trăm tuổi ấy có nhiều người hành nghề này nhưng gần đây chỉ còn lại mình ông. Suốt 50 năm qua, từ 7h30 sáng đến 18h chiều, ông hầu như không rời gốc đa.

Đồ nghề của ông gồm chiếc bút khắc tự chế, tuốc nơ vít và vài chiếc bút mực, được gói gọn trong chiếc hộp sắt nhỏ bé. Không chỉ khắc bút, ông có thể khắc lên tất cả đồ dùng hoặc tặng phẩm theo yêu cầu của khách như nhựa, gỗ, tranh sơn mài.

Nói về việc truyền nghề, ông bảo không ai muốn theo nghề này. Cách đây gần 10 năm, có một sinh viên đến xin được dạy cách khắc lên vật phẩm bằng sơn mài. Anh ta học để viết lên đồ lưu niệm.

Tùy theo mức độ khó dễ của con chữ, giá mỗi chiếc bút khắc dao động 3-10 nghìn đồng. Tháng nào thu nhập cao cũng chỉ hơn một triệu đồng.

Ông làm chỉ vì yêu thích, chứ thực ra tiền khắc bút chỉ đủ cho ông đi tập thể hình và nước nôi. Ông có 4 người con trai đều sinh sống ở nước ngoài. Ở Hà Nội ông sống với vợ trong căn nhà nhỏ tại phường Phúc Tân. Hai cô con gái đi lấy chồng hằng tháng vẫn chu cấp cho 2 ông bà đầy đủ.

Không chỉ khắc chữ, ông Quý còn có thể vẽ lên những hình ảnh khác như tháp Rùa, cầu Thê Húc... Kỷ niệm nhớ nhất của ông là từng khắc bút cho khách để tặng Thủ tướng Đức cách đây gần 20 năm.

Nhiều vị khách du lịch quốc tế cũng tìm tới ông khắc bút mang về nước làm quà.

Người bạn tâm giao của ông Quý từ lâu năm là một người canh gác đền Bà Kiệu. Ngày ngày mỗi khi rỗi hai ông lại tìm đến nhau hàn huyên.

Hoàng Hà - Vnexpress